VĂN HÓA-XÃ HỘI
Lễ hội truyền thống chùa Trăm Gian năm 2022
10/10/2022 12:00:00

Trong 02 ngày, ngày 6-7/10/2022, UBND xã An Bình đã tổ chức Lễ hội truyền thống chùa Trăm Gian năm 2022. Lễ hội truyền thống hàng năm cũng là dịp để tưởng nhớ và tri ân đến các vị Tổ sư đã có công lao đóng góp xây dựng chùa.

         

Về dự lễ hội năm nay có con em xa quê, Hội đồng hương tại các tỉnh, thành; huyện, thị xã trong nước; có nhân dân và phật tử đã đến dự tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân có dịp về dự cầu may, cầu cho quốc thái dân an.

 

Các tiết mục văn nghệ chào mừng đến từ các CLB văn nghệ trong xã trong hai tối và chương trình khai mạc đã thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về dự.

 

Chùa Vĩnh Khánh (Còn có tên là Chùa An Ninh, chùa Trăm Gian). Vĩnh Khánh là gọi theo tên tự, An Ninh là gọi theo tên làng, nơi có ngôi chùa, còn chùa Trăm Gian là gọi theo quy mô kiến trúc (vì là có 100 gian). Chùa Trăm Gian là 1 trong những di tích nổi tiếng được xây dựng tại An Ninh. Tương truyền chùa có từ thời Lý (TK 11 -12), đến thời Trần tướng Nguyễn Huy Tĩnh đã đóng quân tại chùa để chặn quân Nguyên từ hướng sông Bạch Đằng đánh vào Thăng Long; có nhà tích đức tu nhân đó là Ni cô Phạm Thị Toàn, nghìn năm hưởng tự khói hương phụng thờ. Trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, chùa cũng là cơ sở của bộ đội địa phương, thời kỳ chống Mỹ đây là cơ sở quân y hậu cần của Quân khu ba. Một bộ phận chùa An Ninh một thời làm sân kho hợp tác xã và trụ sở UBND xã An Bình.

 

Chùa được xây dựng với quy mô lớn vào thế kỷ XVII đã được trùng tu nhiều lần vào thế kỷ 19. Kiến trúc hiện nay chủ yếu mang dấu ấn của những thế kỷ này. Chùa gồm nhiều công trình nhỏ, kiến trúc theo kiểu trong công ngoài quốc liên hoàn khép kín trên một diện tích trên 1000m2.

Cổ vật của Chùa Vĩnh Khánh (Trăm Gian) cũng lưu giữ được đến ngày nay là có 57 pho tượng, 12 đại tự, 12 câu đối, 738 bản khắc kinh phật… trong đó số tượng phật có tượng Trúc lâm tam tổ. Chùa có 7 bia đá, khắc dựng vào các năm Chính Hoà 22 (1701); Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), Gia Long thứ 8 (1809) … đây là những trang lịch sử quý báu, qua đó có thể hiểu lịch sử ngôi chùa qua từng năm tháng. Chùa Vĩnh khánh có giá trị lớn về lịch sử và văn hoá mà tiêu biểu là kiến trúc và cổ vật; và công lao xây dựng chùa của các cụ tổ sư Diệu Quang (thường gọi là cụ tổ rau, cụ tổ viên giác, cụ tổ viên tịch, cụ tổ viên hoàn, cụ tổ viên rong); căn cứ vào giá trị lịch sử văn hoá, Bộ VHTT đã ra Quyết định số 168 ngày 03/5/1990 xếp hạng lịch sử văn hoá cấp Quốc gia và năm 2019 được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là một trong năm điểm du lịch cấp tỉnh.


Gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội truyền thống là gìn giữ hồn cốt linh thiêng non nước của mảnh đất Vãn lộng trang xưa kia. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Bình luôn trân trọng, tự hào và tạo mọi điều kiện để Lễ hội diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn, tiết kiệm - thực sự trở thành nơi sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, là chốn đi về của đông đảo nhân dân và khách thập phương.

                                                                                                                                                                   BBT. 
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ AN BÌNH - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Đăng Xuân - Chủ tịch UBND xã An Bình

Địa chỉ: Thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3794 218


Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 5
Tất cả: 67,343