Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã liên tiếp giành được những thắng lợi vĩ đại, vẻ vang, đưa nước ta từ một nước thuộc địa thực dân nửa phong kiến thành một Quốc gia độc lập, tự do, xây dựng và phát triển theo con đường XHCN. Gắn liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và truyền thống lịch sử của Đảng bộ tỉnh Hải Dương, Đảng bộ xã An Bình ra đời có tổ chức chặt chẽ và có những bước phát triển vững chắc.
Ngày 19 tháng 5 năm 1940, Phủ ủy Nam Sách được thành lập. Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945 đồng chí Đỗ Chuẩn người xã Thanh Quang là cán bộ của Đảng được cử về xây dựng phong trào ở xã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Trạch ( tức Lê Hồng Quang) về tuyên truyền giác ngộ giáo dục một số người có xu hướng tiến bộ theo cách mạng. Từ đó tổ chức Việt Minh đã hình thành ở xóm Cậy thôn Đa Đinh do bà Nguyễn Thị Đón và 11 quần chúng tham gia. Nhóm Việt Minh đầu tiên ở xã đã tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, vận động quần chúng đấu tranh, được quần chúng ủng hộ. Qua đó tư tưởng của quần chúng nhân dân đã được chuyến biến tích cực.
Năm 1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp(9/3), để tiếp tục duy trì và phát triển phong trào cách mạng Phủ ủy (nay là Huyện ủy) Nam Sách đã cử đồng chí Kim Tự - Thường vụ về phụ trách 02 xã và đồng chí Hướng (tức Hai Xuân Hạ) người xã Quốc Tuấn cùng đồng chí Đỗ Chuẩn – Cán bộ Việt Minh, là phái viên từ chiến khu Cổ Vịt về xây dựng phong trào và tổ chức Việt Minh tại xã, Riêng ở An Bình do đồng chí Lương Viết Uyên phụ trách.
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng lực lượng vũ trang của Mặt trận Việt Minh từ chiến khu Cổ Vịt đã được quần chúng nhân dân ủng hộ tổ chức cướp chính quyền ở huyện Chí Linh và sau tiến về chính quyền ở huyện Nam Sách. Sáng ngày 20/8/1945 lực lượng vũ trang cùng nhân dân An Bình mang theo cờ, vũ khí thô sơ và hàng ngàn nhân dân các xã đội ngũ chỉnh tề tiến về huyện lỵ Nam Sách dự mít tinh, chính quyền cách mạng huyện ra mắt. Nhân dân An Bình đã thực sự đổi đời, cuộc sống tự do bình đẳng, một mơ ước hàng ngàn năm nay đã trở thành hiện thực. Mọi người đều hướng theo tiếng gọi của Đảng, càng ra sức khắc phục khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Ngày 06/01/1946 lần đầu tiên người công dân xã An Bình tham gia bầu cử Quốc hội – Cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước – Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 100% số cử tri đi bầu - đây là một ngày hội lớn của quần chúng, một đợt sinh hoạt chính trị trong tầng lớp nhân dân trong xã, ý thức giác ngộ quần chúng được nâng lên rõ rệt.
Ngày 08/01/1946, cử tri trong xã tiếp tục đi bỏ phiểu bầu ra các cấp xã, huyện, tỉnh, một số cử tri là cán bộ, là quần chúng cách mạng đã ứng cử và được đề cử vào Hội đồng nhân dân xã. Thời kỳ này Đào xá sáp nhập với Đa Đinh lấy tên là xã An Đinh bầu được 15 đại biểu và bầu ông Nguyễn Huy Tước làm chủ tịch; An Đông sáp với An Đoài lấy tên là xã An Ninh bầu được 16 đại biểu và bầu ông Nguyễn Đình Tống làm chủ tịch. Qua bầu cử HĐND và Ủy ban hành chính được kiện toàn, củng cố thêm. Chính quyền dân chủ nhân dân từng bước được củng cố, phong trào hoạt động của đoàn thể quần chúng được xây dựng, củng cố phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, ý thức giác ngộ được nâng lên, đông đảo quần chúng tham gia vào tổ chức Mặt trận Việt Minh xã.
Cùng với sự kiện thống nhất thành lập: Ủy ban kháng chiến hành chính( trước đây là ủy ban kháng chiến và ủy ban hành chính) xã. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng Cộng sản để lãnh đạo quần chúng. Từ thực tế đó, Huyện ủy Nam Sách cử đồng chí Kim Tự về xã An Ninh – An Đinh bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu quần chúng ưu tú vào Đảng. Tháng 6 năm 1948 đồng chí Lương Viết Uyên được kết nạp vào Đảng tại xã Phú Điền, sau đó có thêm 02 đồng chí được kết nạp vào Đảng, những đồng chí này sinh hoạt gép với chi bộ khu V. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến ở địa phương. Ngày 26/8/1948, đồng chí Kim Tự - Thường vụ Huyện ủy Nam Sách về chỉ đạo, công bố Quyết định thành lập Chi bộ gép An Ninh – An Đinh tại nhà cụ Bùi Xuân Chúc (thôn An Đoài) được tổ chức với 03 đảng viên, đồng chí Lương Viết Uyên, đồng chí Nguyễn Đình Tống, đồng chí Nguyễn Huy Ban, do đồng chí Lương Viết Uyên làm bí thư chi bộ. Tại Hội nghị này Chi bộ đã ra Nghị quyết lãnh đạo một số nhiệm vụ quan trọng trước mắt của địa phương trong đó có công tác xây dựng Đảng.
Ngoài ra còn phân công từng đảng viên nắm giữ các vai trò chủ chốt lãnh đạo từng thôn xóm, các đoàn thể và lực lượng vũ trang. Trong thời gian này HĐND xã cũng được kiện toàn, chính quyền được củng cố cho phù hợp với tình hình mới. Tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo lương thực, ổn định đời sống nhân dân. Những sắc lệnh của Trung ương như sắc lệnh số 75/SL về tạm cấp ruộng đất của Việt gian, thực dân Pháp cho dân cày nghèo (1/7/1949), sắc lệnh số 48 về giảm tô 25% (14/7/1949) được chi bộ Đảng thực hiện theo điều kiện thực tế của xã, điều đó đã đem lại niềm tin cho nhân dân, nhất là nhưng gia đình nghèo không có ruộng đất.
Chi bộ cũng tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân trong xã làm cách mạng. Bằng ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, lòng căm thù giặc sâu sắc, xã An Bình đã xây dựng được hệ thống cơ sở cách mạng. Các đơn vị dân quân, du kích tự rèn giáo mác, làm bàn chông, một số quả mìn, lựu đạn do cấp trên cấp, về sau được trang bị một số khẩu súng, nhưng chủ yếu là lấy súng của địch để trang bị cho dân quân du kích. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, chi bộ Đảng đã lãnh đạo lực lượng vũ trang An Đinh đánh bốt Dũng Đào Xá đêm 14/10/1949 và liên hoàn lực lượng vũ trang An Ninh đánh bốt Dũng ở An Đông đêm 15/11/1949. Quân, dân du kích được quần chúng nhân dân ủng hộ và quan tâm đến trong thời kỳ kháng chiến cả về tinh thần cũng như vật chất, để các chiến sỹ nơi trận địa yên tâm chiến đấu.
Cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển, mọi tầng lớp nhân dân phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Cuối năm 1949 cuộc kháng chiến cuả nhân dân Việt Nam đã phát triển sang giai đoạn mới, tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi lớn. Lực lượng ta ngày càng lớn mạnh, địch ngày càng lún sâu vào thế bị động buộc chúng phải thay đổi từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài và đẩy chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt” lên một bước cao hơn; từ mở rộng vùng chiếm đóng chúng chuyển sang củng cố vùng chiếm đóng. Chúng thay thế những cuộc hành quân lớn bằng nhưng cuộc hành quân nhỏ, không nhằm trực tiếp tiêu diệt chủ lực của ta mà nhằm phá hoại cơ sở kinh tế, chính trị của ta. Để thực hiện âm mưu đó tại địa phương chúng cho xây dựng một phòng tuyến hàng loạt bốt hương dũng kiên cố trong xã để đàn áp phong trào cách mạng.
Để kịp thời đói phó với với địch và bọn tay sai, trước tình hình đó Huyện ủy đã chỉ thị cho Hai chi bộ, hai chính quyền của hai xã sát nhập lại làm một chi bộ, một chính quyền thành xã hợp nhất. Hội nghị hợp nhất được tiến hành khẩn trương vào tháng 01/1951 lấy tên là xã An Bình, chủ tịch xã là ông Nguyễn Phúc Thao, Xã đội ông Lê Đình Đang, bí thư chi bộ đồng chí Thành cán bộ tăng cường của huyện, số lượng đảng viên 10 đồng chí.
Trong 02 năm 1950-1951 xã nằm sâu trong phạm vi chiếm đóng của địch, sâu trong vòng địch hậu với hệ thống đồn bốt kẹp chặt hai đầu, đây là một thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất. Song dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, trực tiếp là chi bộ Đảng đã có chủ trương đúng đắn để chỉ đạo và lãnh đạo trong cuộc đấu tranh một mất một còn với giặc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chi bộ cũng lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng mọi hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo. Trong gian khổ, khó khăn, có những đảng viên dũng cảm bất khuất, quần chúng, dân làng tin vào Đảng dám đương đầu với kẻ thù thâm độc và sảo quyệt…
Thắng lợi về quân sự của quân và dân trong huyện đã tạo nên một sự kiện mới, một bước phát triển tiến công địch diệt thanh dũng, giải phóng và mở rộng khu tự do của huyện, điều đó tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, đảng viên cùng nhân dân trong xã. Thời cơ đã đến chi bộ chính quyền đã lãnh đạo lực lượng vũ trang cùng nhân dân nhất tề nổi dậy tiến hành phá tháp canh diệt phản động ở Đa Đinh đêm ngày 03/02/1952 thắng lợi. Tiếp đến đánh bốt Dũng ở An Đoài, phá tháp canh ở An Đông đêm 24/02/1952.
Năm 1953, lực lượng vũ trang xã được biên chế thành 02 trung đội, gồm 75 đồng chí, trang bị vũ khí: 01 súng trung niên, 30 khẩu súng trường, 02 tiểu niên, 50 viên đạn, huyện trang bị thêm 02 khẩu súng trường và 100 lựu đạn( trong đó có 01 trung đội cơ động). Quân và dân xã An Bình, phối hợp quân dân huyện, bộ đội chủ lực đánh ở đường 183 và phối hợp với chủ lực Tỉnh đánh bốt Linh Xá thắng lợi, đã gây được tiếng vang lớn và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, hy sinh, nhân dân xã An Bình dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đã cùng với nhân dân cả nước cần cù lao động, anh dũng chiến đấu giành thắng lợi to lớn, giải phóng quê hương. Trước những khó khăn, gian khổ ác liệt nhất, Chi bộ Đảng vẫn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, đó là mấu chốt quan trọng đi đến thành công của cuộc kháng chiến tại địa phương.
Sau 2 năm hoạt động, trải qua thực tiễn phong trào cách mạng của địa phương và để đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, số lượng đảng viên của Chi bộ đảng đầu tiên từ 03 đồng chí đảng viên đã tăng lên 34 đồng chí năm 1950.
Trải qua 73 năm, Đảng bộ xã An Bình đã liên tục phát triển về quy mô và không ngừng được củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo nhân dân địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị to lớn của các giai đoạn cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy (nay là Huyện ủy) nhân dân xã An Bình đã cùng với nhân dân cả nước làm tốt công tác xây dựng lực lượng kháng chiến, chống giặc càn quét bảo vệ quê hương, vừa xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa ra sức phục vụ tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Từ những năm 1961 đến năm 1985, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo nhân dân xã nhà cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn. Xã An Bình tiếp tục thực hiện tốt vai trò hậu phương đối với chiến trường miền Nam, dốc lòng cùng cả nước đóng góp cho tiền tuyến. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân An Bình đã đóng góp cho nhà nước 3.300 tấn lượng thực và trên 384 tấn thực phẩm, 722 thanh niên An Bình đã hăng hái lên đường chiến đấu và có mặt ở các chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, 112 thanh niên xung phong và hàng trăm dân công hỏa tuyến. Trong đó có 178 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, 124 thương bệnh binh đã để lại một phần xương máu của mình ở chiến trường; 25 bà mẹ được phong tặng và truy tặng vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng,” là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã An Bình. Trong cuộc kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân An Bình đã được Nhà nước tặng thưởng 06 Huân chương các loại, 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, 01 Huân chương chiến công hạng Hai về làm giàu đánh thắng, 02 Huân chương lao động hạng Ba về thành tích khai hoang, phục hóa và về công tác xây dựng Đài truyền thanh, cùng cờ thi đua và các danh hiệu khác. Cụ Nguyễn Thị Đón được công nhận cán bộ tiền khởi nghĩa; có 529 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ xã An Bình đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, xây dựng xã An Bình ngày càng phát triển. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng; tận dụng được các nguồn lực đầu tư trong và ngoài xã để phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh; từng bước xác định được một số giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong các lĩnh vực có lợi thế, chính quyền xã trong những năm qua không ngừng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại ngành nghề nông thôn như: Xây dựng, vận tải, cơ khí, nghề mộc, may mặc, xay xát, buôn bán..v..v.
Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với các gia đình khó khăn;
Trải qua 73 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, từ Chi bộ chỉ có 03 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 311 đảng viên, Đảng bộ xã có 09 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ xã luôn thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… góp phần củng cố niềm tin của nhân dân xã An Bình với Đảng.
Kết quả trên là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân An Bình tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã An Bình xác định việc kế thừa và phát huy truyền thống cao quý ấy là trách nhiệm lớn lao của tất cả cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trong xã để tiếp tục phấn đấu xây dựng xã An Bình phát triển toàn diện và bền vững.
Hiện nay chúng ta đang được sống trong hòa bình, có một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Tuy nhiên trong năm 2021 cả thế giới trong đó có Việt Nam đang phải căng mình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, công cuộc phòng, chống dịch Covid -19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người. Công cuộc này cũng không đòi hỏi hay bắt buộc người dân phải làm quá nhiều việc, phải cống hiến, phải nỗ lực mà thực tế chỉ là bằng những việc làm giản đơn như việc không ra đường khi không thật cần thiết; hoãn lại thú vui hàng ngày như gặp mặt tụ tập tán ngẫu, đi làm đẹp… nhắc nhở lẫn nhau thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cho nhau để cùng vượt qua những tháng ngày khó khăn này
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp ngay sau khi có ca F0 tại khu Gia Binh, chợ Hóp, Nam Hồng, ngay từ chiều ngày 28/7/2021, UBND xã An Bình đã thành lập 01 chốt kiểm soát dịch tại cổng làng An Ninh để kiểm soát người dân ra vào địa phương, lực lượng tham gia trực tại chốt gồm: Cán bộ chủ chốt của xã, lực lượng Công an –quân sự, nhân viên trạm y tế, các đoàn thể xã và tình nguyện viên. Trong những ngày qua mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng lực lượng trực tại chốt đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để động viên, khích lệ tinh thần phòng chống dịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã đã thường xuyên đến động viên, và kiểm tra việc thực hiện tại các chốt trực. Tại điểm chốt, lãnh đạo xã nhà đã ghi nhận những nỗ lực, hết lòng vì sức khỏe cộng đồng và chia sẻ những khó khăn, vất vả với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh. Các đồng chí lãnh đạo xã yêu cầu các lực lượng trực chốt tích cực tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19, tăng cường công tác kiểm soát người và phương tiện ra, vào địa bàn quản lý, đảm bảo trực 24/24 giờ và các trang thiết bị bảo hộ cho lực lượng tham gia trực chốt.
Ngày 04 tháng 8 năm 2021 UBND xã đã ra Quyết định số190/QĐ-UBND kiện toàn 03 tổ kiểm tra liên ngành gồm 26 thành viên nhằm kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn xã An Bình.
Ngay sau khi thành lập các Tổ kiểm tra đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành phòng, chống dịch Covid – 19 tại các công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, các cửa hàng dịch vụ ... trên địa bàn xã; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác phòng chống dịch Covid -19, lập biên bản và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 theo quy định. Hướng dẫn các chủ cửa hàng, các hộ kinh doanh lập sổ theo dõi ghi chép đầy đủ thông tin cá nhân người đến mua bán hàng ngày.
Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid -19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, mỗi người dân chúng ta hãy thể hiện tinh thần yêu nước bằng việc chấp hành nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19 và cùng nhau xây dựng quê hương An Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
BBT.