TỔNG QUAN
GIỚI THIỆU VỀ ĐỊA PHƯƠNG
13/07/2022 12:00:00

Xã An Bình thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương,là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa; quê hương của phong trào” Làm giàu đánh thắng”.

Vị trí địa lý

Xã An Bình nằm cách xa trung tâm của huyện Nam Sách, phía Bắc giápThanh Quang, phía Nam giáp Cộng Hòa, Phú Điền, phía đông giáp xã Đồng Lạc thành phố Chí Linh, phía Tây giáp Quốc Tuấn.

Diện tích tự nhiên là: 644,03 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là279,97ha( sau khi khu công nghiệp An Phát I thu hồi đất).

Địa hình dải đất xã An Bình dọc theo hướng Bắc - Nam vắt qua trung tâm của xã sau đó thấp dần về phía Nam. Phía Đông giáp con sông Kinh Thầy thơ mộng, hiền hòa, trở nặng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, làm cho đất đai màu mỡ phù hợp để canh tác hai vụ lúa trong năm. Dân số năm 2022 là 9.217 người.Toàn xã có 10 người dân tộc thiểu số sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động là gần 60%. Xã có 04 thôn gồm: thôn An Đông, An Đoài, Đa Đinh và thôn Đào Xá. Đây đều là những thôn có bề dầy lịch sử lâu đời.

* Lịch sử hình thành:

Xã An Bình là vùng đất có lịch sử lâu đời, khoảng trên 1000 năm; theo thần phả của 5 làng nơi đây, xưa kia là một vùng đầy lau sậy, sú vẹt, có một số cư dân đến khai phá lập lên: Tam trang An Dưỡng là tên cổ của làng Đào Xá, Đa Đinh ngày nay; đồng thời là thủy tổ cho dòng họ Trần Hữu, Nguyễn Huy…

Dân Vạn Linh Yên Quảng( Quảng Ninh) đến khai phá lập lên: Vãn Lộng Trang, tức tên cổ của làng An Đông, An Đoài ngày nay; đồng thời là thủy tổ của các dòng họ Phạm, Nguyễn, Nguyễn Đình, Nguyễn Quang, …

Trước cách mạng tháng Tám 1945, An Bình gồm: Đào Xá( gọi là làng Đầu), Đa Đinh( 2 làng gọi là Trung thôn và Kiều thôn) thường gọi Dành trên và Dành dưới; An Ninh( 2 làng thường gọi là An Đông, An Đoài); Làng Đào Xá, Đa Đinh thuộc tổng An Phú; An Đông, An Đoài thuộc tổng An Ninh; Tất cả thuộc huyện Chí Linh.

Sau cách mạng tháng 8 thành công và sau ngày Toàn quốc kháng chiến hợp nhất các thôn trên lấy tên là xã An Bình.

* Phát triển Kinh tế:

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước phát động đến nay xã An Bình đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến nay cơ cấu kinh tế của xã là: Nông nghiệp 22,92% - Công nghiệp 35,03% - Dịch vụ 42,05%.

An Bình nổi tiếng với nghề trồng cây hành tỏi vụ đông với trình độ thâm canh cao và từ nguyên liệu sẵn có. Nhân dân xã An Bình đã phát triển nhanh, mạnh và bền vững một số nghề mới đó là nghề sấy nông sản xuất khẩu, làm hương... Hiện trên địa bàn xã có gần 15 công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến và buôn bán hàng nông sản.Trên 48 hộ làm nghề sấy nông sản các loại. Nghề trồng hành vụ đông và chế biến nông sản đã tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Ngoài ra còn có nhiều hộ đầu tư nhà xưởng may mặc, sản xuất vàng mã xuất khẩu đạt hiệu quả cao. Cùng với việc sản xuất, việc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững cũng được quan tâm.

* Văn hoá - xã hội:

An Bình là xã có truyền thống hiếu học của huyện Nam Sách. Tỷ lệ con em trong xã đỗ vào các trường PTTH công lập luôn ở tốp đầu của huyện, toàn xã có 13 Tiến sĩ và 04 phó giáo sư. Chỉ tính riêng thôn An Đoài chỉ với trên 1.000 nhân khẩu đã có trên 450 người tốt nghiệp đại học trở lên, có 05 người là Tiến sĩ, 01 Phó giáo sư. Cả bốn thôn đã đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hoá. Hiện xã An Bình đã đạt 17/18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu năm 2022 xã sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao.

* Tôn giáo - di tích:

Nhân dân trong xã chủ yếu theo đạo phật; ở xã An Bình có 09 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bao gồm 04 chùa, 01 Nghè, 05 đình, nằm trải đều ở các thôn.Qua thời gian và chiến tranh các di tích đều bị hư hại nặng.Từ năm 1990 nhân dân trong xã đã góp công, góp của khôi phục các di tích. Đặc biệt gần đây nhân dân 04 thôn đã phục dựng, tôn tạo các công trình tâm linh, tín ngưỡng với kinh phí trên 12 tỷ đồng. Hiện nay các di tích Đình, Chùa, Nghè đều khang trang, tố hảo.

Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng, tu bổ, phục dựng và phát triển các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống, trong đó di tích lịch sử - văn hóa Chùa Trăm Gian là một ngôi chùa lớn có kiến trúc độc đáo.

Chùa Trăm Gian là di tích nổi tiếng được xây dựng tại An Ninh. Tương truyền chùa có từ thời Lý( Thế kỷ 11-12), đến thời Trần, tướng Nguyễn Huy Tĩnh đã đóng quân tại chùa để chặn quân Nguyên từ hướng sông Bạch Đằng đánh vào Thăng Long; có nhà tích đức tu nhân đó là Nicô Phạm Thị Toàn, nghìn năm hưởng tự khói hương phụng thờ. Trong thời ký kháng chiến chống Pháp, chùa cũng là cơ sở của bộ đội địa phương; thời kỳ chống Mỹ đây là cơ sở hậu cần của Quân khu Ba.Một bộ phận chùa Trăm Gian một thời làm sân kho hợp tác xã và trụ sở UBND xã An Bình.

Chùa được xây dựng với quy mô lớn vào thế kỷ thứ XVII và đã được trùng tu nhiều lần vào thế kỷ XIX.Kiến trúc hiện nay chủ yếu mang dấu ấn của thế kỷ này. Chùa gồm nhiều công trình nhỏ, kiến trúc theo kiểu trong công, ngoài quốc liên hoàn khép kín trên diện tích 1000m2.

Cổ vật của Chùa Trăm Gian còn lưu giữ được đến ngày nay là 57 pho tượng, 12 đại tự, 12 câu đối, 738 bản khắc kinh phật…chùa có 07 bia đá, khắc dựng vào các năm Chính Hòa 22(1701); Vĩnh Thịnh thứ 2(1706); Gia Long thứ 8(1809)…đây là những trang sử quý báu, qua đó thể hiện lịch sử ngôi chùa qua từng năm tháng; chùa Trăn Gian có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa mà tiêu biểu là kiến trú, cổ vật và công lao xây dựng chùa của các cụ tổ sư Diệu Quang( thường gọi là cụ tổ rau, cụ tổ viên giác, cụ tổ viên tịch, cụ tổ viên hoàn, cụ tổ viên rong).

Căn cứ vào các giá trị của di tích, năm 1990, Chùa Trăm Gian được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và năm 2019, di tích được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương công nhận là một trong năm điểm du lịch văn hóa tâm linh của huyện Nam Sách.

     
                      (Chùa Trăm Gian – Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia)

Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn đã chứng minh vùng đất xã An Bình ngày nay là nơi địa linh nhân kiệt có truyền thống và bề dày lịch sử lâu đời.

Cảm ơn quý vị và các bạn ghé thăm trang UBND xã An Bình mong được sự đóng góp, chia sẻ thông tin của quý vị và các bạn gần xa để trang thông tin điện tử của xã An Bình (anbinh.namsach.haiduong.gov.vn) ngày càng phong phú, đáp ứng được sự yêu mến của bạn đọc.

                                                                                                                                   BBT.

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)
(tải về1;tải về2;)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ AN BÌNH - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Đăng Xuân - Chủ tịch UBND xã An Bình

Địa chỉ: Thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3794 218


Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 5
Tất cả: 67,343