Ngày
1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Ở châu Âu quân đội phát xít
Đức tấn công Ba Lan, Pháp; Chính phủ Pháp đầu hàng Đức; ở Đông Dương phát xít
Nhật tiến sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Thực dân Pháp lo sợ trước phong
trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương và phát xít Nhật đe
dọa nhảy vào Đông Dương. Ngày 22/9/1940, Nhật tiến đánh Lạng Sơn, Hải Phòng và
Pháp nhanh chóng đầu hàng Nhật.
Ngày
28/1/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ
đạo cách mạng Việt Nam, nhận thấy tình hình thế giới đang chuyển biến mau lẹ,
Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) quyết định chuyển hướng
chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam; chỉ đạo thành lập Mặt trận rộng
rãi tập hợp lực lượng chống đế quốc, đó là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh
(gọi tắt là Việt Minh). Ngày 6/6/1941, Người đã viết thư “Kính cáo đồng bào” và
“Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” kêu gọi toàn
dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc; nêu rõ vai trò, trách nhiệm
của phụ lão “Trách nhiệm của các vị phụ lão với nhiệm vụ đất nước thật là trọng
đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp
sức. Nước bị mất, phụ lão cứu, nước suy sụp, phụ lão phù trì, nước nhà hưng,
suy, tồn, vong phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề… Nước nhà lo, các cụ
cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”[1]. Người cho rằng, đoàn kết người cao tuổi
trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề
công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, với cương vị là
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu
gọi “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương
cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức
“Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và
hùn sức giữ gìn nền độc lập nước nhà”[2]. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Phụ lão cứu quốc Hội đã được tổ chức ở
các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược giành thắng lợi và hoàn
thành nhiệm vụ cứu quốc.
Dưới
sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ
tịch Hồ Chí Minh, người cao tuổi Việt Nam đã kế thừa, phát huy truyền thống từ
Hội Phụ lão cứu quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng khẳng định vị
thế, vai trò trong đời sống xã hội.
Sau
ngày 30/4/1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hội phụ lão cứu quốc lấy tên Hội
Bảo thọ, Hội Vui tuổi già, Quỹ Thọ… để phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn
của đất nước, trong đó coi trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, quan tâm,
chia sẻ lúc ốm đau, hoạn nạn, chúc thọ, mừng thọ… góp phần xây dựng quan hệ
tình làng nghĩa xóm, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng
của đông đảo người cao tuổi Việt Nam (ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 523/QĐ-TTg về việc thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam;
Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm
sóc người cao tuổi; Quyết định số 772/QĐ-TTg, ngày 26/5/2006 của Thủ tướng
Chính phủ lấy ngày 06 tháng 6 hằng năm là “Ngày truyền
thống người cao tuổi Việt Nam”; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi). Người cao
tuổi đã sát cánh cùng Nhân dân cả nước tích cực tham gia nhiều phong trào đấu
tranh, thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong
từng giai đoạn lịch sử của đất nước.
BBT.